Nguồn điện năng lượng tái tạo “bùng nổ” - Việt Nam thuộc top đầu Đông Nam Á

01/03/2022

Việt Nam đang tiếp tục trải qua giai đoạn “bùng nổ” về nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Từ sau cam kết tại COP26, Việt phát triển năng lượng sạch với mức độ phù hợp là điều Việt Nam đang hướng tới.

Nội dung

Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPC), ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Trong những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Đối với điện gió, Việt Nam có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Còn với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021.”

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, có thể thấy đây là những con số đáng mừng.

Ông Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị

(Nguồn ảnh: Vietnamnet)

Bên cạnh những mặt tích cực, ông Đặng Hoàng An cũng nêu ra những khó khăn thách thức như trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, cụ thể như phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050”. 

Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với cam kết này, lãnh đạo Bộ Công thương chia sẻ: “Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh các quan hệ hợp tác quốc tế, kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ các tổ chức phát triển quốc tế, huy động sự hỗ trợ từ tổng thể các cơ quan liên quan cũng như thu hút đóng góp tích cực từ khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu.”

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tuyên bố: “Vài thập kỷ qua, ngành năng lượng đã đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Trong thập kỷ tới, ngành năng lượng cần phát thải ít cacbon hơn và dần bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguồn nhiên liệu tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất. Để thực hiện những mục tiêu trên, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn.”

Phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xây dựng cơ cấu năng lượng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn là một đóng góp quan trọng, không chỉ phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Liên minh châu Âu cũng như các đối tác phát triển khác sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng này”, vị đại sứ tuyên bố đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam “ở cấp địa phương cũng như quốc tế.”

Theo Vietnamnet

Bình luận