Việt Nam sẽ tăng nguồn điện gió và giảm quy mô điện khí

09/09/2022

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 277/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII, trong đó chỉ đạo Bộ Công Thương cân đối giảm quy mô điện khí, tăng nguồn điện gió phù hợp.

Nội dung

Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); trong đó tập trung thực hiện việc rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030.

Ngoài các dự án đã loại bỏ, không đưa vào Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo, Bộ Công Thương phải tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khác đang triển khai. Tuy nhiên hiện có nhiều khó khăn để trao đổi, thống nhất về việc có tiếp tục hay không tiếp tục.

Bên cạnh đó, cần tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ nước Lào, nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen…

Ngoài ra, Bộ Công Thương rà soát tiến độ khả thi các dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước. Đồng thời tính toán cân đối giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030 và tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi.

Điện gió, điện mặt trời đang chiếm gần ⅓ tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam, đạt khoảng 21.000 MW, đây cũng là nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Sản lượng các nguồn điện này đạt 31,5 tỷ kWWh, tương đương gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Sáu tháng đầu năm, con số này tăng lên khoảng 15% sản lượng điện hệ thống.

Sản lượng điện mặt trời và điện gió đạt gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Về quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đế năm 2030, theo Thường trực Chính phủ, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chinh, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý. Bên cạnh đó, không hợp thức hóa cái sai. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục địch tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia…

Trước đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thường trực Chính phủ nêu các vấn đề của Đề án Quy hoạch điện VIII. Trong đó, về vấn đề điện mặt trời, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng gần 2.430 MW.

“Bởi lẽ, việc đẩy lùi các dự án này sau năm 2030 có thể gặp phải những vấn đề về an ninh trật tự xã hội, rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư. 

Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng” - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bình luận