“Thủ phủ” điện gió Tây Quảng Trị - Phát huy tiềm năng đặc trưng vùng “đất lửa”

30/08/2022
Từ một vùng núi khô cằn, chỉ trong thời gian ngắn, khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị đã trở thành “thủ phủ” điện gió nhờ phát huy tiềm năng đặc trưng vùng “đất lửa”.
Nội dung

“Đặc sản gió Lào” trở thành “cánh đồng điện gió”

Phát triển công nghiệp năng lượng được xác định là một trong những trụ cột trong kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới. Trong đó, phía Tây của tỉnh đang trở thành “thủ phủ” của năng lượng điện gió.

Ông Nguyễn Đức Chính - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, từ phát hiện về tốc độ gió tại khu vực Khe Gió, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa đạt trung bình từ 6-8m/s - rất thích hợp để phát triển điện gió, một số nhà đầu tư đã đến Quảng Trị tìm hiểu tiềm năng đầu tư điện gió.

Nhận thấy tiềm năng, triển vọng, lãnh đạo tỉnh đã tích cực đi nghiên cứu kinh nghiệm quyết tâm thúc đẩy, quảng bá, đưa ra các dự án tái tạo. Và những nhà đầu tư tiên phong đó là Tập đoàn Tân Hoàn Cầu Group với dự án Điện gió Hướng Linh 2 và Tổng Công ty Phát Điện 2 với dự án Điện gió Hướng Phùng đã đặt “nền móng niềm tien” vững chắc cho điện gió Quảng Trị…

Ông Nguyễn Đức Chính chia sẻ: “Khi dự án điện gió đầu tiên thành công (Nhà máy điện gió Hướng Linh 2), tôi rất mừng, cảm thấy hướng đi điện gió rộng mở. Khi phát điện thành công, tỉnh Quảng Trị đã xin Trung ương tiếp tục thực hiện những dự án khác. Và bây giờ, phía Tây tỉnh Quảng Trị đã có diện mạo của một ‘thủ phủ năng lượng’.”

Cánh đồng điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất 671 MW. Bên cạnh đó, còn 12 dự án đang thi công và nhiều dự án đang trình Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy hoạch.

Sự phát triển của điện gió đã thay đổi đáng kể diện mạo khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị. Góp phần tăng thu ngân sách (các dự án điện gió đóng góp vào ngân sách tỉnh 1.200 tỷ đồng năm 2021), tạo việc làm cho lao động địa phương, đầu tư hạ tầng giao thông (mở trên 80km đường với tổng vốn khoảng 800 tỷ đồng), hỗ trợ người dân vùng dự án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế…

Cần phát triển điện gió bền vững

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu cho biết, Tân Hoàn Cầu là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Quảng Trị cũng như một số địa phương. 

Tại Quảng Trị, hiện 2 dự án đi vào hoạt động và đang triển khai một số dự án khác. Việc đầu tư tại Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp, cũng như người dân xung quanh khu vực dự án và đã có những thành công bước đầu.

“Cũng như một số doanh nghiệp khác, tháng 10/2021 là thời điểm hết hạn gió FIT, chúng tôi có một số dự án đã xây dựng hoành thành nhưng chưa có cơ chế phát điện. Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế theo quyết định mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa các dự án vào vận hành.” Ông Thành đề xuất.

Điện gió Quảng Trị nhìn từ trên cao

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Võ Văn Hưng cho biết: “Chủ trương thu hút đầu tư vào các dự án điện gió là rất đúng đắn bởi ngoài mang lại lợi ích kinh tế lớn (1 MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm), thì các dự án điện gió cũng ít tác động đến môi trường khi 1 mW điện gió chỉ sử dụng 0,65 ha đất, trong đó có 0,35 ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3 ha là tạm thời. Trước khi triển khai thi công, các dự án điện gió đều có báo cáo tác động môi trường.”

Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148ha rừng trồng (không có diện tích rừng tự nhiên) để phục vụ triển khai các dự án điện gió. Trong quy hoạch, tỉnh Quảng Trị cũng dành 439/1.800ha đất để dành cho phát triển các dự án điện gió. Để phát triển điện gió bền vững, tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không chuyển đổi rừng tự nhiên để làm điện gió.”

Theo bocongthuong.vn

Bình luận