Phát triển điện gió ngoài khơi - Những vướng mắc chưa được giải quyết

27/10/2022

Sau cuộc đua điện năng lượng mặt trời, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang điện gió ngoài khơi nhưng hành trình này không dễ dàng.

Nội dung

Tạm dừng cấp phép khảo sát

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thẩm định, chấp thuận khảo sát điện gió ngoài khơi. Theo công bố, đến ngày 31/8/2022, cơ quan này nhận được 55 đề xuất, trong đó có 1 đề xuất được chấp thuận.

Lý do tạm thời dừng cấp phép khảo sát điện gió ngoài khơi, được đưa ra là Nhà nước chưa có quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió.

Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc về pháp ý và kỹ thuật, đơn cử như chưa quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiêu hec-ta trên 1 MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển; chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 1 sự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5 GW, 1 GW hay 2 GW… để đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện… Do đó, Bộ này đề xuất tạm dừng việc cấp phép cho đến khi xây dựng được quy định liên quan.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp có kế hoạch triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Ngày 22/6/2022, Công ty Cổ phần Fecon (mã FCN) đã ký thỏa thuận hợp tác cùng phát triển với Corio Generation - doanh nghiệp hoạt động chuyên về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chuyên khai thác năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

Theo đó, hai bên sẽ cùng hợp tác trong dự án điện gió ngoài khơi, công suất 500 MW tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm cách bờ biển 25 - 30 km. Dự án được Fecon kỳ vọng sẽ là một trong số những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn được xây dựng tại Việt Nam, sau khi được cấp phép và phê duyệt.

BCG Energy - thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) có 3 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 550 MW, trong đó có 2 dự án điện gió ngoài khơi tại Cà Mau (công suất 300 MW) và Trà Vinh (công suất 200 MW). Hiện tại, BCG đang thực hiện giai đoạn 1 của 2 dự án với tổng công suất 180 MW, thi công trạm, đường dây truyền tải.

Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 8 vừa qua của Bamboo Capital, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, các dự án vẫn được Tập đoàn chú trọng triển khai và đang chờ Quy hoạch điện VIII để thúc đẩy tiến độ.

Vào tháng 10/2021, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ công bố khoản ngân sách 860.000 USD tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong đó, Bamboo Capital cũng nhận được tài trợ cho hai dự án nêu trên.

Đầu năm 2022, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chấp thuận bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính. PVS đánh giá đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của Công ty, phù hợp với định hướng của PVN trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.

Thời gian gần đây, PVS đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió ngoài khơi cho các nhà thầu trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cũng tích cực làm việc với các tỉnh có tiềm năng gió tốt tại Việt Nam như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu... để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Ảnh minh họa

Hành trình gian nan

Dù Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi nhờ bờ biển dài hơn 3.000 km và việc gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được đưa vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, nhưng việc phát triển điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Trong một cuộc hội thảo về điện gió ngoài khơi, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng chỉ ra sự quan trọng của quy hoạch không gian biển. Bởi việc phát triển điện gió ngoài khơi còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản, đặc biệt là an ninh quốc phòng…

Ngoài những lý do vướng mắc pháp lý và kỹ thuật nêu trên, vướng mắc lớn nhất là hiện chưa có cơ chế giá bán điện gió mới (cơ chế giá FIT cũ hết hiệu lực). Trong khi đây là yếu tố đảm bảo cho thành công của một dự án cần vốn lớn, để nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính yên tâm bỏ vốn.

Bà Phạm Nguyễn Ngọc Thương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Công ty cổ phần BCG Energy chia sẻ, cách đây 2 - 3 năm, khi có cơ chế giá FIT, tình hình huy động vốn dành cho năng lượng tái tạo đơn giản hơn hiện tại. Bởi các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi cho vay đều nhìn câu chuyện đầu ra để đánh giá dự án, khả năng sinh lời và dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp.

“Các ngân hàng nước ngoài đều nhìn vào câu chuyện đầu ra, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Đến nay, vẫn chưa có cơ chế giá mới, vì vậy, vay vốn nước ngoài rất khó khăn”, bà Thương nói.

Nhiều năm trước, để khuyến khích thu hút đầu tư vào điện mặt trời, điện gió, Nhà nước đã có cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) cho các dự án vận hành thương mại (COD) trước thời gian quy định. Điều này thúc đẩy rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, khả năng huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước cũng gặp nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, sau khi thời hạn hưởng giá FIT kết thúc từ năm 2021, các ách tắc về giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đến ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương mới ký ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, mở ra hy vọng mới cho các doanh nghiệp. Để có một khung giá hợp lý cho điện gió ngoài khơi sẽ là một câu chuyện dài hơi khác.

Tại các nước châu Âu, giá điện gió ngoài khơi phụ thuộc vào độ sâu đáy biển và độ xa so với bờ. Dự án ở khu vực nước biển càng sâu, càng xa đất liền giá sẽ càng cao. Điều mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang quan tâm nhất lúc này là khi nào có cơ chế giá chính thức cho điện gió ngoài khơi, cơ chế giá FIT hay đấu thầu? Nếu là giá FIT thì bao nhiêu? Nếu đấu thầu thì lộ trình chuyển giao ra sao để tránh một cú sốc cho thị trường?

Cho đến khi cơ chế giá chưa được ban hành, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là “rất khó” trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, việc tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước đối với việc đánh giá tác động môi trường xã hội có thể dẫn đến các dự án điện gió ngoài khơi không thu hút được đầu tư quốc tế, vì chúng không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi thường phát triển với quy mô và công suất lớn hơn các dự án năng lượng tái tạo khác (tương đương với các nhà máy nhiệt điện). Do đó, các nhà nghiên cứu tính toán, để phát triển điện gió ngoài khơi, cần sự chuẩn bị tốt về đấu nối vào bờ và có hệ thống truyền tải điện quốc gia ở cấp điện áp 220 kV hoặc 500 kV. Với điều kiện hạ tầng trong nước hiện tại, điều này không hề dễ dàng.

Câu chuyện hạ tầng truyền tải điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất phát điện của các dự án điện mặt trời là bài học còn rất mới.

Có những thời điểm, nhà máy điện năng lượng mặt trời chỉ được huy động 50% công suất vì quá tải hệ thống truyền tải điện. Điều này gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Dù gần đây, việc đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đã được chú trọng, nhưng vẫn không thể theo kịp tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, các dự án điện gió ngoài khơi cũng hầu như tập trung ở miền Trung và miền Nam, những khu vực vốn đã sở hữu phần lớn nhà máy năng lượng tái tạo của cả nước, nhưng nhu cầu tăng trưởng điện lại thấp hơn miền Bắc. Vậy nên, khi lưới điện bị quá tải, khả năng cắt giảm sản lượng hoàn toàn có thể xảy ra.

Bình luận