Miền Trung chú trọng khai thác “mỏ vàng” logistics

05/01/2023

Các tỉnh, thành phố tại miền Trung đang đồng loạt có những bước chuẩn bị quan trọng, tạo “bệ phóng” cho ngành logistics bứt tốc mạnh mẽ trong những năm tới.

Nội dung

Hành động

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất được xem là khu vực trọng điểm phát triển logistics của tỉnh. Vì thế tỉnh đã đề xuất quy hoạch cảng biển, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025, diện tích khoảng 608 ha, gồm khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300 ha; sân bay Lý Sơn khoảng 135ha, trung tâm dịch vụ hậu cần cảng, logistics khoảng 135ha.

Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) - phần cơ sở hạ tầng dùng chung

Hiện Quảng Ngãi đang triển khai xây dựng các dự án cảng biển tại cảng Dung Quất, có chiều dài hơn 10km, diện tích khoảng 1.158ha, đê chắn sóng dài 1,6km, đê chắn cát dài khoảng 1,5km. Tỉnh đã đầu tư các bến cảng tổng hợp và chuyên dùng, gồm hệ thống bến cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 70.000 DWT; 4 hệ thống bến cảng chuyên dùng có khả năng tiếp nhận có tải trọng 200.000 DWT.

Báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Chiến lược Tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền cho biết, năm 2022, Quảng Ngãi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư kho vận SIS Quảng Ngãi với vốn đầu tư đăng ký 17,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút 26 dự án thuộc lĩnh vực logistics, với tổng vốn đầu tư đăng ký 8.779 tỷ đồng (tương đương 412 triệu USD).

Theo ông Hiền, các dự án kho bãi đã đi vào hoạt động như Dự án Kho bãi và thiết bị vận tải đa phương thức; Dự án Kho bãi hàng hóa Thuận Yến; Dự án Hệ thống văn phòng - kho ngoại quan và các dịch vụ hậu cần cảng; Dự án nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và dịch vụ cảng Phan Vũ… cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đáng chú ý là, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tích cực triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics như Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn IIa, thành phần 1, đoạn Km 56 - Km69+145, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 12/2025 và giai đoạn IIb, đoạn Km 27+690 - Km29+500 và Km31+870 - Km33+450 của Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 12/2025); Dự án Cầu và đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 4/2025; Dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 5/2025; Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, dự kiến khởi công xây dựng trong quý IV/2023...

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi và UBND tỉnh Kon Tum đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) bổ sung đầu tư, nâng cấp các đoạn còn lại của tuyến Quốc lộ 24.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trình Bộ GTVT đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, trước mắt là đoạn Km23+300 - Km29+800 vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Còn tại Bình Định, Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 04) tại lô KB-DV 04, Quốc lộ 19 mới, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước đang được xây dựng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng đã yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư, đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng phương án quy hoạch phải bố trí đầy đủ chức năng, trong đó có dịch vụ logistics theo đúng mục tiêu tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được duyệt. Bổ sung, xác định cụ thể loại hàng hóa, khối lượng, công suất để tính toán, xác định cụ thể quy mô kho chứa, khu dịch vụ, sân bãi... và có giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường tương ứng loại hình hàng hóa cho phù hợp, tuân thủ quy định.

Với tỉnh Khánh Hòa, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, tỉnh này xác định mục đích phát triển dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, thương mại trong nước, thương mại quốc tế và thương mại điện tử; phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm thời gian lưu chuyển hàng hóa; góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả logistics (tăng 5 - 10 bậc), đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics...

Hiện Khánh Hòa đang triển khai những nhiệm vụ như nghiên cứu, thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics; nghiên cứu áp dụng cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa, người và phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, quá cảnh; nghiên cứu kết nối vận tải đa phương thức, liên kết các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ dịch vụ logistics phát triển; triển khai các giải pháp giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng điều hành quản lý giao thông thông minh; tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, giảm thời gian lưu chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, Khánh Hòa sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng, nhân rộng điểm kinh doanh, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo chuỗi nhằm hỗ trợ kết nối và hình thành các kênh logistics. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực công thương, nông nghiệp, hải quan, thuế, giao thông vận tải... nhằm đơn giản, rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trình độ chất lượng cao đối với ngành logistics; triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với những ngành, nghề liên quan đến logistics…

Hướng đến quy mô kinh tế vùng

Cuối năm 2022, sự kiện khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (ngày 14/12/2022) trở thành dấu mốc quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ, mang đến làn sóng đầu tư mới cho không chỉ Đà Nẵng, mà cả khu vực miền Trung về lĩnh vực logistics.

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (chủ đầu tư) cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung, được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, trong đó Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 DWT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.

Với lợi thế về kết nối giao thông liên vùng, cảng Liên Chiểu nằm ở vị trí điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, hiện các tuyến Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển kết nối toàn vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung về cảng. Đặc biệt, sau khi cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng có tuyến xếp dỡ đường sắt trực tiếp trong cảng kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, sẽ đảm bảo cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ miền Trung, tích hợp được tất cả các phương thức vận tải, đồng thời với lợi thế hiện nay, cảng Đà Nẵng là cảng biển duy nhất tại khu vực miền Trung đã thiết lập 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần, trong đó có 7 tuyến nội địa và 23 tuyến quốc tế đi các nước nội Á. Đây là tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, khi bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác.

“Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để phát triển các bến giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, cảng Liên Chiểu là một trong 7 dự án động lực Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư trong thời gian tới và đã có một số doanh nghiệp lớn được UBND TP. Đà Nẵng trao chứng nhận cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Cảng biển Liên Chiểu. Sau khi hoàn thành, cảng Liên Chiểu sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, ông Hưng cho hay.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ Hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu. Khu vực cảng Liên Chiểu khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối các khu công nghiệp thành phố.

Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng, tạo bứt phá, không chỉ đối với ngành vận tải, logistics, mà du lịch, dịch vụ cũng được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng, mà cả khu vực miền Trung, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn, tiền tiêu” cho Tổ quốc. Điều này góp phần làm tăng vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực.

Ông Nguyễn Phú Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân (đại diện liên danh nhà thầu thi công) cho rằng, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi hoàn thành sẽ đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải lớn nhất khu vực miền Trung. “Chính vì vậy, liên danh nhà thầu chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần, trách nhiệm cao nhất”, ông Xuân nói.

Bình luận