Doanh nghiệp logistics nắm bắt xu hướng “xanh hóa”
Yêu cầu tất yếu
Không chỉ vậy, logistics xanh còn là xu thế, là yêu cầu trong việc hiện thực mục tiêu “vượt bão” của ngành logistics trong năm 2023 và những năm tới, để thưc hiện các yêu cầu hoạt động logistics xanh của các nước, các doanh nghiệp đối tác được quy định trong các Hiệp hịnh FTA thế hệ mới.
Logistics xanh còn góp phần tích cực vào giảm khí thải carbon vào môi trường hướng tới thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 là Việt Nam sẽ có “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Sau lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1980, thuật ngữ “logistics xanh” được rất nhiều tổ chức và các nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm khác nhau về logistics xanh từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Có thê hiểu Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Logistics xanh là các nỗ lực nhằm đo lường và giảm thiểu tác động sinh thái của các hoạt động logistics. Nó bao gồm tất cả các hoạt động chuyển tiếp và ngược lại của sản phẩm, thông tin và dịch vụ giữa nơi xuất xứ và nơi tiêu dùng. Mục đích là tạo ra một giá trị bền vững bằng cách cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và môi trường. Mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và toàn xã hội.
Ba cấu phần chính của Logistics xanh gồm Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Phát triển logistics xanh nhấn mạnh vào những nỗ lực và biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động logistics, từ đó đạt tới sự cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Theo khung phát triển logistics xanh, logistics xanh chi phối đồng thời cả ba mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Ba mục tiêu này không loại trừ mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều tập trung đóng góp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững với hiệu qủa kinh tế cao.
Nội dung chính phát triển logistics xanh cần tâp trung, thứ nhất, xanh hóa hoạt động vận tải Vận tải là hoạt động logistics có ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Có hai yếu tố chính của vận tải ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm: hệ thống mạng lưới giao thông và hoạt động của các phương tiện vận tải. Các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại. Đặc biệt, phương tiện giao thông đường bộ có ảnh hưởng nhiều nhất tới môi trường thể hiện ở lượng khí thải, tiếng ồn và ùn tắc giao thông. Hơn nữa, đường bộ, sân bay, bến cảng được xây dựng ngày càng nhiều là nguồn gây ô nhiễm lớn. Việc tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa hai chiều của phương tiện vận tải, nhất là ô tô nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả vận tải. Việc chon phương thức vận tải phù hợp trong hoạt động logistics cũng đóng góp vào việc tác động đến môi trường.
Thứ hai, xanh hóa hoạt động kho bãi. Việc thiết kế, xây dựng kho trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ sử dụng năng lượng của kho. Thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ… mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Kho bãi với các tính năng thân thiện môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, diện tích phù hợp, tường và sàn dày hoặc cho phép tái chế tại chỗ sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiếng ồn và khí thải tới môi trường.
Ngoài ra, lựa chọn sử dụng các trang thiết bị tại kho thân thiện với môi trường và tổ chức vận hành hoạt động kho một cách tối ưu cũng giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Quy hoạch mặt bằng kho tốt không chỉ giúp tận dụng tối ưu không gian kho mà còn cắt giảm được chuyển động trong kho. Điều này buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn thiết kế xanh hóa kho bãi để không chỉ đạt được hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tăng thêm tính xanh trong hoạt động logistics của mình. Ngoài ra, môi trường làm việc và cây xanh quanh khu vực kho bãi cũng góp phần vào logistics xanh. Vệ sinh thiết bị containers cần được chú ý để giảm chất thải và làm ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, xanh hóa hoạt động đóng gói. Đóng gói là một quy trình quan trọng đối với tất cả các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Thường có ba loại bao bì là bao bì chính, bao bì thứ cấp và bao bì vận chuyển. Bao bì chính chứa đựng sản phẩm. Kích thước, hình dạng và vật liệu cấu tạo bao bì có ảnh hưởng đến chi phí kho hàng và chi phí vận chuyển.
Việc đóng gói sản phẩm tốt hơn cùng với các vật liệu tái sử dụng và pallet được sắp xếp theo mô hình tối ưu sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ việc giảm sử dụng vật liệu, tăng sử dụng không gian nhà kho và dung tích phương tiện vận tải, giảm số lượng bao bì cần xử lý. Bao bì không phù hợp có thể dẫn đến hư hỏng sản phẩm trong quá trình vận chuyển và gây lãng phí bao bì, tăng lượng rác thải ra môi trường. Do đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường. Việc thu hồi vật liệu dư thừa sau khi hoàn thành đống gói cũng rất quan trọng.
Thứ tư, xanh hoá hệ thống thông tin. Một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho... nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường.
Bên cạnh đó, việc số hóa dữ liệu không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, quản lý dữ liệu mà còn giảm thiểu in ấn, giấy tờ đồng nghĩa với giảm tác hại đến môi trường. Đặc biệt, mạng lưới liên kết thông tin giữa các doanh nghiệp với cơ quan chuyên ngành sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế việc di chuyển, góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.
Thứ năm, phát triển logistics xanh không thể thiếu phát triển logistics ngược. Bao gồm hai hoạt động chính là thu hồi, tái sử dụng sản phẩm và xử lý chất thải. Logistics ngược là quá trình các doanh nghiệp thu hồi sản phẩm khách hàng trả lại, sản phẩm cần bảo hành, bảo dưỡng hoặc sản phẩm, bao bì kết thúc sử dụng từ người tiêu dùng cuối cùng; tận dụng nguyên liệu tái chế, phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất; tận thu phế liệu từ vật liệu đóng gói, vận chuyển.
Do đó, hoạt động logistics ngược sẽ góp phần bảo vệ môi trường và mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản lý chất thải là một nội dung quan trọng để bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên. Chẳng hạn như, khi nhà kho phát sinh số lượng lớn chất thải bao bì hay khi sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng thì chúng trở thành phế thải. Khi đó, việc xử lý chất thải thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường là vô cùng quan trọng.
Trợ lực cho doanh nghiệp
Từ thực tế này, để thực hiện để phát triển logistics xanh gắn với chuyển đổi số của doanh nghiệp, trước hết, về phía Chính phủ, cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.
Cảng nước sâu Gemalink là dự án tiêu biểu cho mô hình khu đô thị công nghiệp cảng xanh.
Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin. Quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa các hoạt động logistics, tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức. Cần tiến hành đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.
Đặc biệt, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, tránh chồng chéo giữa các cơ quan bộ ngành. Cần có bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh cho ngành logistics ở góc độ tổng thể, có tính bao trùm hơn, bao gồm trong đó là các bộ tiêu chí cho cảng biển, nhà kho, bao bì,…xanh. Khuyến khích, thúc đẩy logistics xanh tại doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về phía các doanh nghiệp cần, thứ nhất, cần chuyển biến về nhận thức trong việc thực hiện logistics xanh và có chương trình hành động cụ thể về logistics xanh. Từ đó đề ra yêu cầu và nội dung logistics xanh cho hoạt động, dịch vụ cụ thể. Trước hết là logistics xanh trong cơ quan doanh nghiệp.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics lớn đang quan tâm thực hiện phát triển logistics xanh, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển với những tiêu chí đánh giá cụ thể. Và đến nay đã được Chính phủ cụ thể tại Quyết định số 1909/QĐ-CHHVN về việc công bố Tiêu chuẩn cơ sở. Đơn cử trong số này là các doanh nghiệp như Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Gemadept, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam…
Theo đó, các doanh nghiệp đã xây dựng cảng xanh với mục tiêu hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường với các mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch, xây dựng và áp dụng các biện pháp bảo vệ và thân thiện với môi trường, bảo đảm anh ninh và phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng môi trường của Cảng.
Đồng thời, sử dụng nhiện liệu sạch tại cảng, xử lý chất thải trong cảng, xây dựng môi trường sinh thái khu vực cảng; xây dựng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm hài hòa giữa vận tải đường bộ, đường thủy và vận tải biển; ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý các hoạt động của Cảng; thay thế nhiên liệu xăng, dầu bằng điện năng – như sử dụng thiết bị điện thay cho dầu diesel, dùng năng lượng mặt trời chiếu sáng văn phòng, cung cấp điện bờ cho tàu; thực hiên các quy định của IMO về phòng chống ô nhiếm theo giới hạn toàn cầu; thực hành tiết kiệm năng lượng; tiến hành đào tạo nguồn nhân lực thích ứng và thực hiện các mục tiêu xanh, sạch nêu trên, nhất là các mục tiêu về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của Cảng; có quy trình xử lý việc xếp dỡ hàng nguy hiểm; tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics của các cán bộ, nhân viên công tác tại Cảng…
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, giao nhận, những hoạt động logistics nòng cốt cần xây dựng kế hoạch tiết kiệm nhiên liệu phương tiện vận chuyển, tiết kiệm nước sử dụng trong các hoạt động logistics.
Vấn đề sử dụng nguồn nguyên liệu sạch đặc biệt trong sản xuất cung ứng ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, xem xét việc khai thác và mở rộng ứng dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học thay thế xăng, dầu nhằm bảo vệ môi trường phục vụ cho mục đích cuối cùng logistics xanh.
Hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường, nhất là với chất thải chưa được xử lý, đi đúng hướng theo phát triển bền vững của logistics xanh. Tuân thủ chặt chẽ quy trình vận chuyển các chất có thể gây tác động tiêu cực nếu tiếp xúc trực tiếp với môi trường (hóa chất, dầu mỡ, hàng hóa nguy hiểm).
Do đó, cần có công tác đảm bảo an toàn hơn nữa trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tránh gây tác động xấu đến con người, môi trường. Xem xét việc sử dụng nguyên liệu có thể tái sử dụng, tái chế để làm kệ, pallet, bao bì đóng gói. Việc tận dụng sử dụng các nguyên liệu tái sử dụng là một vấn đề quan trọng trong việc tối ưu, cắt giảm chi phí logistics.
Thứ ba, doanh nghiệp cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các yếu tố liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển logistics xanh. Sự quyết tâm của nhà quản trị cấp cao cũng như yêu cầu về một đội ngũ nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi nghiệp vụ, giỏi công nghệ thông tin mà còn có hiểu biết về phát triển xanh, tiết kiệm và tối ưu mọi nguồn lực sẽ là chìa khoá để triển khai thành công mọi chiến lược và kế hoạch phát triển logistics xanh tại doanh nghiệp.
Hoạt động logistics xanh, logistics thông minh gắn với “đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số” như chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội VIII của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã đề ra là một yêu cầu khách quan và cấp bách đối với các doanh nghiệp Hội viên VLA hiện nay. Phát huy vai trò của mình, Hiệp hội cần có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn, hỗ trợ Hội viên thực hiện kế hoạch phát triển logistics xanh đồng thời có hình thức khuyến khích, khen thưởng động viên những Hội viên thực hiện tốt logistics xanh, mang lại lợi ích kinh tế, phát triển dịch vụ logistics quốc gia qua đó phần giảm chi phí logistics, tăng cường năng lực phục vụ và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Bài viết liên quan
Bài viết mới
- THÔNG BÁO NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 02/09
- PPL Teambuilding 2024: Kết sức mạnh, nối thành công
- Ấm áp chương trình thiện nguyện của PPL tại thị trấn Phước Hải
- PPL TRAO GỬI YÊU THƯƠNG - GIA ĐÌNH GẮN KẾT MỪNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6
- THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ - LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG, NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VÀ NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 2024
- PPL đóng góp vào thành công của dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4
Bình luận