Địa phương được liên danh của VinaCapital đầu tư 13 tỷ USD phát triển điện gió có tiềm năng gì?

14/09/2022

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, liên danh Tập đoàn VinaCapital và Công ty EDF - một thành viên của Tập đoàn Điện lực Pháp đã đề xuất khảo sát để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 13 tỷ USD.

Nội dung

Với vị trí địa lý thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có hệ thống đường dây truyền tải 500 kV và 220 kV, Bà Rịa- Vũng Tàu rất thuận lợi để phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện khí LNG để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam.

Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng gió thuộc loại cao nhất trong cả nước. Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại vị trí đo gió An Ngãi, huyện Long Điền ở độ cao 80m, tốc độ gió trung bình giao động từ 4,7m/s đến 7,9m/s và tốc độ gió trung bình năm đạt 6,06m/s.

Tại cột đo gió Bình Châu, huyện Xuyên Mộc ở độ cao 80m, tốc độ gió trung bình tháng dao động từ 5,17m/s (tháng 10) đến 7,28m/s (thangs1) và tốc độ gió trung bình năm khoảng 6,08m/s. Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ gió đo được ở các vị trí này nằm trong mức tiềm năng để phát triển các dự án điện gió.

Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển VIệt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn, các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình năm từ 8m/10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2.

Ảnh minh họa

Với những đặc điểm này, Bà Rịa - Vũng Tàu có sức hút lớn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Một số dự án lớn đầu tư vào năng lượng tái tạo tại địa phương có thể kể đến như: Dự án Nhà máy Điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu do HBRE Group đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, dự án điện gió ngoài khơi của Corio Generation hợp tác cùng Tập đoàn FECON với công suất 500 MW…

Và gần đây, đại diện liên danh Tập đoàn VinaCapital và Công ty EDF đề xuất với UBND tỉnh khảo sát thực hiện dự án điện gió ngoài khơi vùng biển Bà Rịa - Vũng với 4 vị trí, đó là:

-  Vị trí 1 cách bờ 140 km, 

- Vị trí 2 cách bờ 100 km, cách Côn Đảo 40 km, 

- Vị trí 3 cách bờ 48 km, 

- Vị trí 4 - cách bờ 258 km và cách Côn Đảo 168 km. 

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 13 tỷ USD, với tổng công suất khoảng 3.000 MW.

Theo EVN, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Như vậy, dự án của liên danh này tương đương 14,5% tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước.

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Bộ Công thương phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Theo đó, mục tiêu quy hoạch đến năm 2025, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 34MW với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 87,59 triệu kW/năm.

Theo đó, khu vực có tiềm năng phát triển điện gió kỹ thuật gồm khu vực cửa sông Cửa Lấp với diện tích 373 ha và công suất dự kiến 50 MW, khu vực cánh đồng muối An Ngãi 1 (xã An Ngãi, huyện Long Điền) với diện tích hơn 242 ha và công suất dự kiến 30 MW,...

Ngoài ra, danh mục phát triển các dự án điện gió giai đoạn đến năm 2025 được xem xét gồm dự án gió An Ngãi tại xã An Ngãi, huyện Long Điền và dự án gió Côn Sơn tại vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo.

Theo CafeF

Bình luận