Bàn cách phát triển logistics của Quảng Ninh

09/03/2023

Các ý kiến đều chung nhận định Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics nhưng hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm.

Nội dung

Ngày 04/03, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics với sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp để thảo luận các giải pháp phát triển lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

Logistics phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá Quảng Ninh như một Việt Nam thu nhỏ, khi có đầy đủ từ biển đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, sân bay cho đến cảng biển.

Nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường chỉ nghĩ đến du lịch và tài nguyên khoáng sản than,... Tuy nhiên, một ngành dịch vụ tiềm năng mà tỉnh này cũng có lợi thế đặc biệt để phát triển - đó chính là logistics.

Thực tế Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện, hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không) giúp kết nối với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 5 năm liên tiếp (2017- 2021) giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá dịch vụ logistics của Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế

"Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngành logistics nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này" - ông Diên nêu.

Theo ông Diên, Quảng Ninh cần hoạch định phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với các định hướng đã đặt ra trong nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và quyết định 80 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ưu tiên bố trí ngân sách để làm "vốn mồi" thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp bứt phá

TS Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng đẻ hoạt động logistics tại khu vực Quảng Ninh phát triển tương xứng và không bị tụt lùi thì cần tập trung một số giải pháp trọng tâm như rà soát tổng thể các bến cảng hiện hữu, các bến phao neo tại khu vực Con Ong - Hòn Nét.

Theo ông Trung, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Quảng Ninh là kết nối giao thông sau cảng bởi khoảng cách từ các cảng của địa phương này đi các tỉnh phía Bắc dài hơn so với việc xuất phát từ Hải Phòng, điều này dẫn đến việc tăng phí vận tải nội địa cho các hãng tàu, chủ hàng.

Do đó tỉnh cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, giúp chủ động tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng.

Ông Lê Quang Trung - phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - cho rằng Quảng Ninh cần chủ động "nguồn hàng" đa dạng thông qua việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu kinh tế nhằm giải quyết điểm trọng yếu kết nối giao thông đi các tỉnh phía Bắc so với TP Hải Phòng

Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế.

Cần có hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo cho các mô hình kinh doanh logistics mới trong thời đại kinh tế số như hiện nay. Lên kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng.

Tập trung phát triển khu hậu cần đủ lớn tại các cảng biển với hệ thống sân bãi, kho hàng quy mô, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, luân kho, lưu chuyển, logistics…

Cũng theo ông Trung, cần phải nghiên cứu phát triển, khai thác các tuyến đường sắt kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu đến cụm cảng Cái Lân của Quảng Ninh sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Đồng Đăng - Móng Cái - Lào Cai.

Việc kết nối xuất nhập khẩu từ Quảng Ninh sang Trung Quốc sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, nâng tầm chuỗi dịch vụ quốc tế.

Đặc biệt Chính phủ đang khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch, nhất là hàng nông sản rất cần có dịch vụ logistics về phương tiện, kho để lưu giữ, kho lạnh để bảo quản các hàng hóa dễ mau hỏng như trái cây thì Quảng Ninh cần có chiến lược rõ ràng cho xu thế này.

Theo tuoitre.vn

Bình luận