9 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã phát điện, hòa lưới quốc gia

10/06/2023

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cập nhật đến 17 giờ 30 ngày 2.6, có 9 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 472,62 MW đã chính thức phát điện thương mại, hòa lưới quốc gia.

Nội dung

Cập nhật mới nhất về tình hình đàm phán mua bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, EVN cho biết đến 17 giờ 30 ngày 2.6, có 65/85 dự án với tổng công suất 3.643,861 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVN) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, 56 dự án (tổng công suất 3.087,661 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7.1 của Bộ Công thương.

Theo đó, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công thương phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

Cũng theo EVN, đến chiều 2.6, đã có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án, phần dự án với tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia.

Trong số các dự án điện gió, điện mặt trời gửi hồ sơ, có 19 dự án được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình, một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy, một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Như vậy, đến chiều 2.6, EVN ghi nhận vẫn còn 20 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp chưa nộp hồ sơ đàm phán mua bán điện dù phía EVN, Bộ Công thương đã tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Thông tin tại phiên họp Quốc hội chiều 1.6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một số dự án điện gió, điện mặt trời tái tạo chuyển tiếp vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN là do các chủ dự án không muốn đàm phán theo khung giá Bộ Công thương ban hành. Các chủ đầu tư cho rằng giá điện này còn thấp hoặc có khó khăn về truyền tải điện.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, nhiều chủ đầu tư các dự án đã chạy đua với thời gian nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật, thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành để hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ).

Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, chính sách giá FIT đã hết thời hiệu, thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng "chứ không phải dừng đột ngột". Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án này khi không kịp hoàn thành trong thời gian hưởng giá FIT, Bộ Công thương đã ban hành khung giá phát điện theo Quyết định 21. Mức giá này giảm khoảng 7,3 % so với giá ưu đãi FIT 2 được ban hành năm 2020; giá FIT 2 lại giảm 8% so với giá FIT ban hành năm 2017.

Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Cơ chế giá cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế - xã hội trong nước".

Bình luận