Sau 18 tháng - Chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi trở lại

17/08/2022

Sau 18 tháng biến động do đại dịch Covid-19, xung đột, tắc nghẽn kênh đào Suez, logistics toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, giảm thiểu áp lực chuỗi cung ứng.

Nội dung

Theo dữ liệu từ công ty vận tải hàng hóa quốc tế Freightos, cho phí trung bình của việc vận chuyển hộp kim loại 40 feet tiêu chuẩn trên thế giới giảm khoảng 45% so với mức cao nhất ghi nhận hồi mua thu năm ngoái.

Số lượng tàu thuyền chờ vào cảng Los Angeles (Mỹ) cũng giảm 75% so với đầu năm. 6 tháng đầu năm 2022 cũng là quãng thời gian đông đúc và bận rộn nhất của cảng này trong một thế kỷ qua.

Thời gian giao vận qua đường hàng không cũng được chuỗi cung ứng Flexport cho biết đang cải thiện. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thiết lập chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy giảm 57% trong tháng 7 so với khi chỉ số này chạm đỉnh.

Chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi trở lại (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát hàng tháng mới nhất của S&P Global về các nhà quản lý thu mua, doanh nghiệp từ những nền kinh tế lớn xác nhận thời gian giao hàng đầu vào và nguyên vật liệu trong tháng 7 đã bớt căng thẳng.

Các cuộc khảo sát do Ủy ban châu Âu thực hiện cũng cho thấy việc thiếu thốn nguyên liệu và thiết bị không còn là yếu tố hạn chế sản xuất với các nhà sản xuất có trụ sở tại các châu lục này.

Joanna Konings - chuyên gia kinh tế cấp cao của ING Bank cho biết áp lực chuỗi cung ứng có thể nghiêm trọng đến mức buộc các doanh nghiệp ngừng sản xuất. Thiếu hụt sản phẩm đồng nghĩa với việc giá cả tăng vọt. Bà Konings nói: “ Hiện hàng hóa đã lưu thông trở lại. Hệ thống thương mại quóc tế cũng hồi phục, năng động và có dấu hiệu phục hồi tích cực”.

Mới đây, theo khảo sát Philadelphia, hơn 40% nhà sản xuất tại Mỹ tham gia mong đợi sự cải thiện về thời gian giao hàng trong 6 tháng tới. Các chuyên gia nhận định thị trường logistics và chuỗi cung ứng hiện tại bình ổn giữa biến động chính trị có thể là điều tốt cho nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, xu hướng này lại phản ánh nhu cầu hàng hóa suy giảm do lạm phát cao. Chi phí vận chuyển và vật liệu tăng trong năm 2021 cũng góp phần khiến sức mua giảm đáng kể.

Thêm vào đó, trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, logistics và chuỗi cung ứng có thể lần nữa đứng trước nguy cơ tắc nghẽn. Josh Brazil, Phó Chủ tịch Project44- Một nền tảng dữ liệu cho biết: “Các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển có thể không đủ sức xử lý nếu lượng hàng hóa tăng đột ngột trở lại.”

Phó chủ tịch Project44 chia sẻ thêm: “Tình trạng trì hoãn rất có thể sẽ trở lại trong những tháng cuối năm nếu không có sự chuẩn bị.”

Theo Vnexpress

Bình luận